Đau răng gây ra nhiều đau đớn và khó chịu, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày. Cùng Zenyum tìm hiểu về nguyên nhân và các cách giảm đau răng tại nhà, cũng như biện pháp phòng tránh bệnh về răng miệng nhé!
Nguyên nhân gây đau răng và các triệu chứng
Đau răng là tình trạng đau ở trong hoặc xung quanh răng. Tình trạng nhẹ xảy ra do kích ứng tạm thời có thể áp dụng các cách giảm đau răng tại nhà. Các trường hợp nghiêm trọng và không thể tự thuyên giảm, bạn sẽ cần đến nha khoa để được thăm khám và điều trị chuyên nghiệp.
Đau răng không phải bệnh lý, mà là biểu hiện bắt nguồn từ những bệnh lý như:
- Sâu răng
- Viêm tủy
- Răng khôn mọc ngầm
- Các bệnh về nướu
- Áp xe răng
- Và những nguyên nhân ít gặp khác như: Gãy răng, nghiến răng quá mức,…
Triệu chứng đau răng khá đa dạng tùy thuộc vào từng bệnh lý, biểu hiện có thể kể đến bao gồm những cơn đau âm ỉ kéo dài, đau dữ dội, sưng nướu răng, sốt, hơi thở có mùi khó chịu,…
Các cách giảm đau răng tự nhiên tại nhà
Đối với các tình trạng đau nhẹ hoặc chưa thể thăm khám tại nha khoa, bạn có thể áp dụng các mẹo giảm đau răng tại nhà đơn giản để nhanh chóng xoa dịu cơn đau.
Súc miệng bằng nước muối
Muối là chất sát trùng tự nhiên. Súc miệng bằng nước muối ấm giúp loại bỏ vi khuẩn, có thể hỗ trợ giảm viêm và làm dịu cơn đau.
Bạn có thể mua nước muối pha sẵn tại các nhà thuốc hoặc tự pha nước muối ấm tại nhà. Tự pha bằng cách hòa tan nửa thìa muối vào 250ml nước ấm. Sau đó ngậm và súc miệng trong 30s rồi nhổ ra.
Chườm lạnh
Chườm lạnh lên vùng bị đau sẽ làm hạn chế tốc độ lưu thông máu, giúp giảm sưng và giảm đau tức thì trong nhiều trường hợp. Phương pháp này khá hiệu quả đối với các trường hợp mọc răng khôn hoặc sưng nướu.
Dùng túi chườm hoặc khăn sạch để chứa nước đá, sau đó đặt lên vùng má có răng bị đau trong khoảng 20 phút. Lặp lại vài lần trong ngày.
Lưu ý không nên lạm dụng phương pháp này vì có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh liên quan.
Giảm đau răng tại nhà với thảo mộc
Tỏi, bạc hà, đinh hương là những loại thảo mộc phổ biến có tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm hiệu quả. Sử dụng đúng cách có thể hỗ trợ làm dịu những cơn đau khó chịu.
Trong tỏi sống có chứa hợp chất Sulfur, là chất kháng sinh mạnh. Sử dụng bằng cách nghiền nát tỏi tươi, sau đó trộn với muối và nước. Đắp lên vùng bị đau trong khoảng 30 phút.
Trong bạc hà và đinh hương có chứa các hợp chất gây tê tự nhiên, có tác dụng kháng khuẩn. Có thể sử dụng tăm bông thấm tinh dầu bạc hà hoặc đinh hương, sau đó đặt lên vùng răng bị đau để làm dịu các cơn đau răng. Thêm vào đó, có thể pha nước ấm cùng 1 vài giọt tinh dầu bạc hà để súc miệng.
Các cách trị đau răng bằng thuốc
Ngoài các phương pháp giảm đau răng tự nhiên trên, thuốc giảm đau là một trong những phương pháp tối ưu. Tùy vào tình trạng bệnh lý, một số thuốc có thể sử dụng an toàn tại nhà để làm dịu cơn đau cấp tốc.
Nhóm thuốc giảm đau không chứa steroid
Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac,… là những thuốc kháng viêm, giảm đau kéo dài phổ biến hiện nay, chuyên dùng cho các trường hợp đau nhức răng dữ dội kèm sưng viêm.
Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn trên cơ thể. Vì vậy để sử dụng an toàn và hiệu quả, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ hoặc nhân viên y tế trước khi sử dụng.
Nhóm thuốc giảm đau không kháng viêm
Paracetamol là loại thuốc khá quen thuộc về hiệu quả giảm đau, được sử dụng cho nhiều đối tượng ở những độ tuổi khác nhau. Loại thuốc này có tác dụng nhanh chỉ sau khi uống từ 15 – 30 phút và kéo dài trong khoảng 4 – 6 tiếng.
Đây loại thuốc thông dụng, có thể xem là an toàn cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng vì thuốc có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và đặc biệt gây hại cho gan nếu sử dụng quá liều.
Nhóm thuốc gây tê
Các loại thuốc gây tê có thể kể đến bao gồm Prilocaine, Tetracaine, Lidocaine,… được sử dụng chủ yếu ở dạng xịt hoặc gel. Chúng có tác dụng làm giảm đau nhanh chóng, tức thì trong một khoản thời gian nhất định.
Vì hiệu quả khá ngắn nên nhóm thuốc này không có tác dụng đáng kể với những cơn đau kéo dài.
Biện pháp phòng ngừa đau răng
Không thể phòng ngừa đau răng trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế tối đa các bệnh lý về răng miệng với các thói quen chăm răng như:
- Đánh răng 2 đến 3 lần/ ngày với kem đánh răng có chứa Fluoride.
- Sử dụng tăm hay chỉ nha khoa để loại bỏ mảng thức ăn thừa ở kẽ răng
- Hạn chế sử dụng các thức uống hoặc thực phẩm có đường
- Khám răng định kì để loại bỏ cao răng và kiểm tra tình trạng răng miệng.
Bộ sản phẩm chăm sóc răng miệng Zenyum giúp bạn vệ sinh răng miệng hiệu quả, phòng ngừa các bệnh lý gây đau răng.
Khi nào nên đến nha khoa thăm khám khi bị đau răng?
Đau răng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý răng miệng khác nhau, vì vậy bạn cần đến nha khoa để được thăm khám để có được chẩn đoán chính xác nhất. Vậy đau như thể nào thì cần đến gặp nha sĩ?
- Cơn đau kéo dài từ 1 – 2 ngày
- Cường độ đau tăng dần và không có dấu hiệu thuyên giảm
- Đau răng kèm theo sốt
- Đau tai hoặc đau khi mở miệng
Nếu tình trạng đau nhức kéo dài và không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh
Câu hỏi thường gặp
Đau răng thường kéo dài bao lâu?
Mức độ và thời gian đau răng tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Thông thường, đau răng do răng sâu có thể kéo dài trong khoảng 30 phút rồi biến mất, có khi âm ỉ kéo dài.
Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn đi kèm các biến chứng như viêm chân răng, áp xe răng, sâu răng lân cận,… Điều này có thể dẫn đến những cơn đau dữ dội và kéo dài hơn.
Đau nhức răng có tự hết không?
Nếu cơn đau răng xuất phát từ nguyên nhân do nướu bị kích thích thì sẽ thuyên giảm trong vòng vài ngày. Khi đó, để xoa dịu cơn đau, bạn nên tránh những thực phẩm hay thức uống quá nóng hoặc lạnh, sử dụng các thực phẩm mềm.
Cách giảm đau răng vào ban đêm?
Bạn có thể cảm thấy tình trạng đau răng trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm do tư thế nằm làm cho máu dồn hết vào vị trí đầu, máu không được lưu thông tốt như ban ngày.
Khi đó, bạn nên áp dụng các biện pháp giảm đau răng tại nhà bằng các nguyên liệu tự nhiên như bài viết đã kể trên và kê cao gối khi ngủ để làm dịu cơn đau.
*Bài viết mang tính tham khảo. Zenyum không trực tiếp đưa ra chỉ định y tế. Hệ thống Zenyum hoạt động dựa trên chỉ định chuyên môn từ nha sĩ đối tác, vui lòng tham khảo thêm ý kiến từ nha sĩ của bạn.