Hôi miệng là vấn đề nha khoa phổ biến mà triệu chứng chính là hơi thở có mùi hôi. Tìm hiểu nguyên nhân bị hôi miệng là bước tất yếu đầu tiên để phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Hiểu rõ về hôi miệng
Hôi miệng không phải bệnh lý, mà là triệu chứng của những bệnh lý nha khoa hoặc bệnh về tiêu hóa khác. Trước khi tìm hiểu về nguyên nhân bị hôi miệng, cùng Zenyum xem qua các tác động của vấn đề này đến cuộc sống hàng ngày.
Dựa trên kết quả của nhiều nghiên cứu, hôi miệng hạn chế đời sống xã hội của người bệnh, làm tăng cảm giác lo lắng và cản trở các mối quan hệ thân thiết.
Những ảnh hưởng tâm lý phổ biến nhất thường gặp là sự thiếu tự tin, lo lắng hay căng thẳng. Một số bệnh nhân thậm chí còn cho rằng họ bị phân biệt đối cử trong các tình huống giao tiếp hoặc công việc hằng ngày.
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến hôi miệng
Nguyên nhân bị hôi miệng khá đa dạng vì có nhiều nguồn vi khuẩn trong miệng. Phổ biến nhất có thể kể đến các nguyên nhân sau:
- Thực phẩm: Những loại thức ăn bạn ăn đều có liên quan trực tiếp đến sức khỏe răng miệng, bao gồm cả hơi thở của bạn. Hành, tỏi là những loại thực phẩm điển hình gây mùi cho hơi thở.
- Các bệnh lý nha khoa: Vi khuẩn tích tụ do các bệnh về nha chu, sâu răng,… cũng là nguyên nhân gây hôi miệng.
- Khô miệng: Việc giảm tiết nước bọt dẫn đến miệng không thể tự làm sạch và loại bỏ các mảnh vụn thức ăn để lại. Tình trạng khô miệng là mấu chốt của chứng hôi miệng.
- Hút thuốc: Thuốc lá có hàm lượng chất dễ bay hơi trong miệng và phổi, làm khô niêm mạc miệng; là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hôi miệng từ việc hút thuốc.
Nguyên nhân bị hôi miệng do vấn đề sức khỏe
Hơi thở có mùi có thể xuất phát từ những nguyên nhân bệnh lý khác như: nhiễm trùng mũi họng, viêm amidan, trào ngược dạ dày hay các bệnh về đường hô hấp.
Tác nhân gây hôi miệng cũng có thể đến từ các bệnh lý nghiêm trọng như bệnh về gan, thận hoặc tiểu đường, chủ yếu do sự phân hủy mỡ trong cơ thể.
Nguyên nhân gây hôi miệng đến từ yếu tố lối sống
Chăm sóc răng miệng không đúng cách: Nếu không đánh răng và dùng chỉ nha khoa theo khuyến cáo của nha sĩ, các vụn thức ăn thừa sẽ vẫn còn trong miệng. Đây là nguồn sản sinh ra vi khuẩn, gây ra mùi và vị khó chịu trong miệng.
Hơi thở có mùi do răng sứ: Răng sứ không được vệ sinh đúng cách có thể tích tụ vi khuẩn và các mảnh thức ăn còn sót lại dẫn đến hôi miệng.
Một số yếu tố có hại khác như căng thẳng, thường xuyên sử dụng thức uống có cồn cũng là một trong những tác nhân gây hôi miệng.
Phòng ngừa và cách chữa hôi miệng
Hôi miệng có thể phòng ngừa cũng như điều trị thuyên giảm bằng những biện pháp sau:
- Chải răng và dùng chỉ nha khoa ít nhất 2 lần/ ngày. Sử dụng bàn chải êm dịu với nướu để tránh kích ứng và gây ra các bệnh lý về nướu.
- Chải cả lưỡi, má và nướu khi vệ sinh răng miệng. Hầu hết vi khuẩn gây hôi miệng đều tích tụ trên lưỡi. Vì vậy chải lưỡi sạch sẽ có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho hơi thở của bạn.
- Nếu thường xuyên hút thuốc hoặc sử dụng thức uống có cồn, hạn chế tối đa là cách chữa hôi miệng tốt nhất cho trường hợp này.
- Tăng tiết nước bọt bằng cách ăn các thực phẩm lành mạnh. Cà rốt và táo là những thực phẩm cần nhiều nước bọt để nhai. Bên cạnh đó bạn cũng có thể nhai kẹo cao su và ngậm kẹo không đường.
- Kiểm tra răng miệng định kì. Nha sĩ của bạn có thể phát hiện sớm các bệnh lý về nướu và răng. Nếu bạn bị hôi miệng do các vấn đề nha khoa, tình trạng này sẽ sớm được giải quyết.
Câu hỏi thường gặp
Q: Trẻ em có thể bị hôi miệng không?
A: Đa số trẻ em bị hôi miệng do vấn đề vệ sinh răng miệng không đúng cách, dẫn đến tích tụ vi khuẩn từ thức ăn thừa và gây hôi miệng. Cha mẹ cần sát sao hướng dẫn và giám sát việc đánh răng và súc miệng của trẻ đề phòng ngừa vấn đề hôi miệng.
Q: Nguyên nhân bị hôi miệng có đến từ yếu tố di truyền?
A: Nếu hôi miệng được xuất phát từ các bệnh lý có yếu tố di truyền như gan, thận,… Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề cần quan tâm trong trường hợp này. Hôi miệng có thể khắc phục phần nào khi được vệ sinh răng miệng đúng cách.
Q: Hôi miệng có phải tác dụng phụ của thuốc không?
A: Hầu hết các loại thuốc đều có những tác dụng phụ không mong muốn. Một số loại thuốc có tác dụng phụ là giảm tiết nước bọt, gây khô miệng dẫn đến tình trạng hôi miệng. Với những trường hợp này, cách chữa hôi miệng hiệu quả là bạn nên ăn những thực phẩm kích thích việc tiết nước bọt như trình bày bên trên.